Trung can nghĩa đảm, công chính liêm minh

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa - Hồi Thứ Tư


Hồi Thứ Tư
Giảng Hòa Nghị Dương Nghiệp Lui Binh
Đón Loan Giá Hào Kiệt Trổ Tài
Thám mã báo về trong quân Tống, Thái Tổ nói: "Năm trước trẫm theo Thế Tông xuống Hà Đông, chưa được gì phải quây về. Nay người đó lại đến cứu ứng, nên lui quân để tránh mũi quân tinh nhuệ này". Phan Nhân Mĩ tâu rằng: "Quân của Dương Gia tuy hùng mạnh, nhưng thống thuộc bất nhất. Thần và chủ tướng sẽ dùng kỳ binh để thắng, xin thánh thượng chớ lo". Tống Thái Tổ nghe theo, xuống lệnh xuất binh. Phan Nhân Mĩ cùng Cao Hoài Đức, Đảng Tiến, Dương Quang Mĩ,... Hoài Đức nói: "Võ nghệ của Dương Nghiệp, nổi tiếng khắp Hà Đông. Ngày mai giao phong, có thể sai Tiêu Hoa đánh trận đầu, Triệu Nghi đánh trận thứ hai, Ta và em ta Hoài Lượng đánh trận thứ ba. Ông đem đại quân tiếp ứng cứ thế dùng thế đánh lâu dài hay hơn là dùng kỳ binh vậy". Nhân Mĩ mừng rỡ, lập tức phân phối làm theo.
Bình minh hôm sau, sau ba hồi trống, Tiêu Hoa dẫn quân tiến lên trước vừa lúc gặp quân mã của Dương Nghiệp. Hai quân đối địch, Tiêu Hoa tế ngựa cầm thương, cao giọng nói: "Bắc tướng hãy mau sớm hàng, để tránh việc bị giết, nếu không đại quân tiến đến, san Hà Đông thành bình địa". Nghiệp múa đao tế ngựa, phi ra trước trận, quát mắng: "Đồ thất phu sinh sự, chết đến nơi mà còn dám lên giọng sao!". Nói rồi bèn múa đao vỗ ngựa sấn vào chém Tiêu Hoa. Hoa múa thương nghênh địch, hai ngựa giao nhau, chưa được vài hiệp, bị Dương Nghiệp chém một nhát chết lăn xuống ngựa. Tống binh thua to bỏ chạy. Nghiệp vẫy hai bên tả hữu cùng xông lên. Trong trận quân Tống mở ra, thì Triệu Nghi ra ngựa múa búa xông đến cùng Dương Nghiệp giao phong. Đấu hơn 20 hiệp, Triệu Nghi cũng bì Dương Nghiệp cho một đao, cả người lẫn ngựa xả ra làm bốn, tàn binh bị chém chết vô số. Cao Hoài Đức nghe báo kinh hãi, gấp rút cùng Hoài Lượng dẫn Mã binh một vạn kéo ra địch. Thích Châu Triệu Toại thấy cứu binh đến cũng mở cửa thành kéo ra tiếp ứng. Dương Nghiệp xông thẳng vào trong quân Tống chém giết. Hoài Đức vội múa giáo đón đánh. Hai ngựa giao nhau, đánh hơn 50 hiệp, bất phân thắng bại. Dương Nghiệp quay ngựa chạy về.

Hoài Đức tế ngựa đuổi theo, chợt Dương Diên Chiêu xộc đến từ bên cạnh, chém Hoài Đức rớt xuống ngựa, may nhờ Hoài Lượng lăn xả vào đánh, cứu được Hoài Đức về trận nhà. Vương Quý thúc quân chém giết. Quân Tống bị chết vô số.

Hoài Đức dẫn quân về gặp Phan Nhân Mĩ, kể lại Dương Nghiệp anh hùng, liền chém hai viên đại tướng. Nhân Mĩ nói: "Để gặp thánh thượng thương nghị, trù định kế sách đánh Dương Nghiệp". Phan Nhân Mĩ vào tâu với Thái Tổ: "Vương sư đã thua một trận, Quân của Dương Gia ta khó địch lại". Thái Tổ than rằng: "Không lẽ ý trời không cho Trẫm bình định Hà Đông ư?” Liền cùng chư tướng thương nghị việc ban sư. Dương Quang Mĩ tâu: "Quân của Dương Nghiệp đã hợp lại với Triệu Toại, thanh thế rất lớn. Nay nếu rút quân về, giả như quân địch đuổi theo, quân ta thấy khí thế của quân Bắc, sẽ không đánh mà thua, như vậy sẽ nhục với nước khác vậy kế sách hiện nay, có thể sai người cùng giảng hòa với Dương Nghiệp, sau đó mới rút quân, mới không lo mặt sau nữa!". Tống Thái Tổ hỏi: "Ai có thể làm sứ giả để đi?”

Dương Quang Mĩ nói: "Thần tình nguyện phụng chiếu đi chuyến này". Thái Tổ ưng chuẩn, liền sai quan văn thảo chiếu để Quang Mĩ đem đến Dịch Châu, gặp Dương Nghiệp nói về chuyện giảng hòa. Nghiệp cười nói: “Chúa người dẹp yên các nước, cũng từng có kẻ đến giảng hòa ư?” Dương Quang Mĩ lớn tiếng nói: "Chúa ta anh võ kế thừa đại thống, ân uy đều đủ với các nước, gần đây đánh kẻ nghịch mệnh, như Thái Sơn đè trứng mỏng, kẻ uốn gối xưng thần người nhiều vô số. Nay xa giá Hà Đông, thành công chỉ tính từng ngày. Nếu không vì tránh cho sinh linh gan óc lầy đất, lại nữa vì tướng quân danh vọng rất to, không muốn gây tổn thương. Huống chi Trung Quốc mưu thần, dũng tướng, quân mạnh vẫn chưa điều động. Nếu được tin chưa hạ được Hà Đông, Xa giá vẫn ở đây, nổi giận kéo đến, Tấn Dương của ông giữ được vô sự ư? Tướng quân lại giữ được danh tiếng không?"

Dương Nghiệp bị Dương Quang Mĩ thuyết cho một hồi, không lời đáp trả. Vương Quý nói rằng: "Cơ hội khó được, tướng quân có thể ưng theo đề nghị này, nếu như khích nộ Trung Quốc không có lợi cho Hà Đông”. Nghiệp liền trả lời sứ giả: "Xin hãy về tâu cùng vua Tống, ta xin rút quân trở về". Dương Quang Mĩ cáo từ lui ra, rồi vào trại khác, gặp Triệu Toại nói cho biết việc giảng hòa. Toại vui mừng nói: "Trung Quốc cũng là chúa của ta, nếu đã có ý hòa hảo, thì ai dám không theo". Dương Quang Mĩ từ biệt Toại về gặp Thái Tổ, tâu rõ việc giảng hòa. Thái Tổ mừng rỡ, liền hạ chiếu ban sư. Lúc đó trong quân lương thảo cũng vừa hết, khi nghe lệnh ai nấy vui mừng khôn xiết.

Ngày thứ, Xa giá từ Lộ Châu rút về, đi đến Thái Hành Sơn đóng quân lại. Có tiểu tốt vào vào trong trại báo rằng: Tống Thái Tổ xuống Hà Đông bất lợi mà rút về. Hô Diên Tán mừng quá, thương nghị với Lý Kiến Trung: "Ta và đất Hà Đông có mối thù sâu nặng. Nay nên xuống núi chặn lại xa giá, cầu xin ban cho 3000 bộ áo giáp, 3000 bộ cung nỏ, để cho quân ta dùng để diễn tập. Đợi xa giá lần tới xuống Hà Đông, sẽ xin làm tiên phong, lập công trạng với triều đình, như thế không hay hơn là làm cướp sao?".

Cảnh Trung nghe theo, lập tức giao 5000 người ngựa. Tán nai nịt đầy đủ dẫn quân mã xuống núi bày ra thế trận, cản lấy đường đi. Thám mã báo vào trong dinh Tống rằng: "Phía trước có bọn giặc cản trở đường đi". Tiên phong phó tướng Phan Chiêu Lượng vỗ ngựa ra hỏi: "Kẻ nào dám cản xa giá?" Hô Diên Tán trả lời: "Cản xa giá không vì việc khác, chỉ xin để lại áo giáp 3000 bộ, cung nỏ 3000 cái, để tiểu tướng diễn tập trong trại. Đợi thánh chúa trở xuống Hà Đông, nguyện xin làm tiên phong để phá nước thù”.

Phan Chiêu Lượng nổi giận mắng rằng: "Trung Nguyên bao nhiêu anh hùng, dùng tên thảo khấu vô danh như mi làm gì được? Mau quay về, thì ta cho sống, nếu không thì bắt mi nạp dâng". Tán nói: "Thắng được ngọn thương trong tay ta, mới cho xa giá đi qua". Chiêu Lượng tức giận, vác giáo tế ngựa, xông vào chém Hô Diên Tán, Tán cử thương nghênh chiến, hai ngựa giao đấu được hai hiệp, bị Tán rút cương tiên đập một nhát, chết lăn xuống ngựa. Tiền quân phi báo với trung quân, Dương Diên Hán đề đao ra ngựa đến đánh. Hô Diên Tán lui lại vài bước, để Diên Hán xắn vào, được vài hiệp, bị Tán bắt sống trên ngựa, khiến thủ hạ giải vào trong trại.

Phan Nhân Mĩ nghe con mình Chiêu Lượng bị Tán giết đang lo buồn, chợt Đảng Tiến vào nói: "Phía trước có quân giặc cản đường, sát thương quan quân rất nhiều, ông gối cao nằm kỹ được sao? Nếu chúa thượng biết được làm sao trả lời?" Phan Nhân Mĩ nói: "Tôi đang suy nghĩ, nhưng chưa có mẹo nào cả". Tiến nói: "Để tôi dẫn quân ra đánh". Nhân Mĩ nói: "Thái Uý nếu chịu ra sức, là may mắn cho triều đình". Đảng Tiến lập tức nai nịt lên ngựa, phi ra trước trận rằng: "Đồ thất phu gây sự, sao ngăn xa giá ở đây muốn tìm chết sao?". Tán nói: "Tiểu tướng phi kích giá, chỉ là muốn tận trung với thượng bang vậy! Chuyện áo giáp, cung nỏ là chuyện nhỏ. Sao lại tiếc mà không cho, để phải động can qua?”
Đảng Tiến nổi giận múa đao xông vào Hô Diên Tán. Hô Diên Tán cử thương nghênh địch, hai người đấu hơn mười hiệp, bất phân thắng bại. Tán giả thua, chạy vào bổn trận. Đảng Tiến tế ngựa đuổi theo, đưa đao chém thẳng vào đầu. Tán quay người né qua, bắt lấy cán thương, dùng sức kéo một cái, lôi té xuống ngựa. Bọn lâu la đồng loạt xông lên trói lại. Tán ra lệnh giải lên núi. Trong quân Tống, Cao Hoài Đức nghe tin này, thất kinh nói: "Nơi này sao lại có dũng tướng như vậy?" Lập tức phi ngựa xuất trận, giao chiến với Tán, hai người đấu hơn 50 hiệp, không phân thắng thua.

Kỵ hiệu tâu với Thái Tổ. Thái Tổ thân dẫn quân ra trước trận thấy hai viên hổ tướng đánh nhau không ngừng. Thái Tổ lệnh Dương Quang Mĩ dụ chỉ. Dương Quang Mĩ phi ngựa ra trước trận nói: "Hai vị tướng quân dừng tay, thánh thượng có chỉ đến!". Cao Hoài Đức liền giựt cương quay ngựa, Hô Diên Tán cũng lui lại đứng ở dưới cờ.

Dương Quang Mĩ nói: "Tướng quân cản trở thánh giá có nghị luận gì?" Tán nói: "Nghe Trung Quốc đánh Hà Đông bất lợi thu quân về, tiểu tướng muốn mượn y giáp 3000 bộ, cung nỏ 3000 cái, lưu ở trong trại, chiêu mộ tráng sĩ tập luyện. Đợi chúa thượng xuống Hà Đông lần sau sẽ xin sung làm tiên phong, để phá cường địch. Đó là chí nguyện, chứ nào dám có ý khác". Quang Mĩ nghe xong nói: "Tướng quân xin hãy chờ, ta tâu với chúa thượng sẽ quyết". Rồi lập tức vào trong quân gặp Thái Tổ, tâu rõ nguyên nhân quân phía trước cản đường. Thái Tổ nói: "Trẫm đường đường Trung Quốc lại tiếc 3000 bộ y giáp cung nỏ ư? Nếu người này có thể lập công, tước lộc sẽ không thiếu vậy". Rồi liền ra lệnh quân chính Ty chọn 3000 bộ giáp tinh tế, 3000 cây cung nỏ cứng chắc, giao Quang Mĩ đưa cho Hô Diên Tán. Quang Mĩ lĩnh chỉ, ra trước trận sai quân hiệu khiêng áo giáp, cung nỏ vào trong quân Hô Diên Tán.

Tán mừng rỡ, lạy tạ thụ mệnh, dẫn nhân mã trở về trại, nói rõ với Lý Kiến Trung. Kiến Trung nói: "Nếu thánh chỉ chuẩn tứ y giáp cung nỏ, thì nên đưa trả tướng bị bắt, tự ta đến trước thánh giá tạ ơn thỉnh tội". Hô Diên Tán nghe theo lời, mời Dương Diên Hán, Đảng Tiến ra trướng tương kiến. Hô Diên Tán nói: "Vừa rồi mạo phạm tướng quân, xin hãy tha thứ”. Đảng Tiến nói: "Đó là do bọn ta không hiểu thấu ý của dũng sĩ, nên bị bắt, tự thấy hổ thẹn, sao trách ngài được?". Tán sai mở tiệc khoản đãi, Kiến Trung lệnh thủ hạ lấy ra 20 lượng vàng, nói với Hô Diên Tán: "Vừa rồi xúc phạm hai vị, đây xem như món quà tạ tội, xin dẫn tiểu đệ đến trước thánh giá, gặp mặt chúa thượng một lần, sống chết không quên".

Đảng Tiến nói: "Nếu nhận lễ của dũng sĩ, còn mặt mũi nào gặp thiên tử đây?" Kiên quyết không lấy. Lại dẫn Kiến Trung, Hô Diên Tán tới trước xa giá bái kiến Thái Tổ, sau khi tung hô, Đảng Tiến tâu rõ ý nguyện của Hô Diên Tán, và nói: "Cả hai người đều muốn tận trung với bệ hạ, xin bệ hạ hãy ban thưởng". Thái Tổ nói: "Cáo mệnh của trẫm không theo trong quân, nay quyền phong Lý Kiến Trung làm Bảo Khang Quân Đoàn Luyện Sứ, Hô Diên Tán làm Đoàn Luyện Phó Sứ. Sau khi trẫm về Biện Kinh, lập tức sai sứ tuyên triệu". Kiến Trung và Hô Diên Tán tạ ân xong, trở về sơn trại chờ đợi. Chuyện không có gì đáng nói.

Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa - Hồi Thứ Ba


Hồi Thứ Ba
Kim Đầu Nương Thao Trường Đấu Võ
Cao Hoài Đức Đại Chiến Lộ Châu
Nói đến Mã Trung, Lưu Thị quả nhiên thấy Hô Diên Tán toàn thân nai nịt từ trong lũy xông ra, hét to: "Những tên giặc giết không hết kia, còn muốn đến đây đánh nhau sao?" Lưu Thị vỗ ngựa tiến lên trước, nhận ra rõ ràng, cũng nạt to: "Phúc Lang không được vô lễ". Tán nghe tiếng, ngẩng đầu lên, nhìn thấy là mẫu thân, liền quăng giáo xuống ngựa, lạy phục bên đường mà thưa: "Bất hiếu nhi đắc tội, sao mẹ lại ở nơi này?" Lưu Thị nói: "Con đứng lên, tới gặp thúc thúc đi". Tán theo mẹ, vào trong quân. Sau khi ra mắt Mã Trung. Trung nói: "Nghe nói mi ở trại Cảnh Trung mà, ai biết lại đánh nhau ở đây , Mã Khôn là anh em kết nghĩa của ta, mi hãy đến mà chịu tội đi". Tán nói: "Hôm trước con bắt con trưởng của ông ta trên núi, lại đánh Mã Vinh bị thương, nếu đi gặp ông ấy, e rằng khó thoát tai họa". Trung nói: "Có ta ở đây con đừng ngại". Tán vâng lời, theo Mã Trung về trại gặp Mã Khôn. Trung nói: "Tiểu nhi không biết tôn huynh, mạo phạm gây tội nặng, nay mong tha thứ”.

Mã Khôn kinh ngạc hỏi nguyên do. Trung đem chuyện của Tán kể lại rõ ràng. Khôn than rằng: "Không uổng là con trai của Tướng Quốc!" Tán sụp lạy nói: "Tiểu đệ mắt phàm không biết bá bá, nay nhờ nâng đỡ, hãy tha lỗi trước của cháu". Khôn nói: "Cháu vốn không biết, sao có thể trách được”. Lập tức truyền bày yến tiệc chúc mừng. Khôn gọi bọn Mã Vinh... đến ra mắt. Vinh thấy Tán có sắc hổ thẹn. Tán nói: "Mạo phạm ca ca, ngàn vạn lần xin xá tội". Vinh cũng đáp lễ. Hôm đó, trong trại náo nhiệt vui vẻ, mọi người đều uống say. Có thơ làm chứng:

Hào kiệt tương phùng bất ngẫu thiên,
Nhất thời hội tụ nghĩa toàn kiên
Vị giao phú tá trung triều chủ,
Tiên hữu uy thanh chấn Thái Nguyên.

Mã Khôn quay sang nói với Trung rằng: "Ta có một việc muốn nói, không biết hiền đệ chịu nghe không?" Trung đứng dậy nói: "Lệnh của anh, làm sao dám trái". Mã Khôn nói: "Tiểu nữ Kim Đầu Nương tướng mạo tuy xấu xí, nhưng giỏi võ, nếu không chê, xin cùng cháu Tán kết nghĩa trăm năm". Trung vòng tay cảm tạ: "Huynh nếu thương tình, hậu đức khó quên". Khôn lập tức cho người báo cho Kim Đầu Nương biết, Kim Đầu Nương cười nói: "Gả cho hắn cũng được, chỉ không biết Hô Diên Tán võ nghệ thế nào? Ngày trước giao phong, chưa phân thắng bại. Nay xin cùng tỉ thí, nếu thắng ta được thì ta ưng thuận". Tiểu tốt ra báo cho Mã Khôn biết. Mã Khôn nói: "Tiểu nữ có thói quen từ nhỏ khó bỏ, muốn tỉ võ với Hô Diên tướng quân, cũng là điều tốt”. Trung liền kêu Tán tỉ thí với Mã Thị. Tán vâng lời, nai nịt lên ngựa ra giáo trường. Mã Thị cũng nai nịt mà ra, hai người quyết đấu ở giữa giáo trường.

Mã Trung, Lưu Thị, Mã Khôn đứng ở cửa trại xem, thấy hai người tay múa binh khí, giao đấu trên 20 hiệp, chưa phân thắng thua. Mã Thị nghĩ thầm, thương pháp của Tán rất thành thục, nay hãy thử tiễn pháp của hắn xem sao, nghĩ rồi bèn gò ngựa quay về phía đài mà chạy. Tán nghĩ: "Đây chắc muốn dùng tên dọa ta, đợi đuổi theo xem nàng ta làm gì".

Nghĩ rồi cũng tế ngựa đuổi theo. Mã Thị đợi cho đến gần, đặt tên kéo cung, bắn một lúc ba mũi, đều bị Tán né được. Tán nói: "Tưởng ta không biết bắn tên sao?”. Quay đầu ngựa dụ Mã Thị đuổi theo, cầm cung trong tay, đặt tên và bắn ra, ghim ngay vào chỏm mũ của Mã Thị. Mọi người đều hò reo khen ngợi. Mã Trung chạy ra giữa trận, kêu rằng: "Người một nhà, không được đánh nhau”. Hai người liền xuống ngựa, vào trong trướng. Khôn cười nói: "Tán tướng quân võ nghệ thật giỏi không?" Mã Thị cúi đầu không nói. Khôn biết ý đã chịu, lập tức ra lệnh đốt hương lập thề, đem Mã Thị gả cho Hô Diên Tán. Tán lạy cha mẹ, cảm tạ Mã Khôn. Ngày đó mọi người đều vui vẻ rồi tan.
Ngày thứ, Tán vào gặp Khôi nói: "Tiểu tế về sơn trại gặp Lý Kiến Trung, sẽ đưa tiểu tướng quân về”. Khôn mừng rỡ, liền sai người tiễn Tán lên đường. Tán về gặp Lý, Liễu hai người, kể lại chuyện gặp cha mẹ và việc kết hôn. Kiến mừng rỡ: "Việc này đều không phải là ngẫu nhiên". Tán nói: "Ngày trước bắt được Mã Hoa, nay phải thả ra". Kiến Trung nói: "Giờ đã là người một nhà, sao mà còn chuyện hại nhau nữa”. Liền khiến người ra sau trại mời Mã Hoa lên. Mã Hoa sợ bị mưu hại, sợ đến tim đập tay run, toát mồ hôi đầm đìa. Lý Kiến Trung nói: "Nay có chuyện vui muốn báo, ngươi đừng nghi sợ". Rồi đem chuyện Tán và em gái Hoa thành thân đoàn tụ kể lại từ đầu đến cuối. Hoa chuyển lo thành mừng nói: "Nếu như thế, cũng xin mời các vị qua tiểu trại mà gặp gỡ , Kiến Trung nói: "Mời tướng quân về trước, ta dặn dò thủ hạ xong sẽ tới sau. Mã Hoa bèn từ biệt Kiến Trung rồi về.

Lúc ấy Liễu Hùng Ngọc không muốn đi, Kiến Trung nói: "Nếu không đi tất sẽ gây ra sự nghi ngờ, nay nên gặp nhau, để giải mối thù thuở trước”. Ngay hôm đó liền cùng với Tán và mọi người đến Thái Hành Sơn, kêu người báo với Mã Khôn. Khôn lập tức ra trại nghênh đón. Sau khi vào trướng mọi người làm lễ tương kiến, Kiến Trung nói: "Nay tình như huynh đệ, gặp hoạn nạn phải cứu nhau, đừng nên khiến cho tranh nhau nữa, làm tổn hòa khí”. Khôn mừng rỡ, mời Mã Trung, Lưu Thị ra chào. Trung nói: "Tiểu nhi may được hiền huynh cứu giúp, ân đức khó quên". Lý Kiến Trung nói: "Tán tướng quân không phải là người tầm thường, ngày sau tất được đại quý”. Khôn liền ra lệnh bày tiệc rượu ăn mừng. Ngày đó các hào kiệt theo ngôi thứ mà ngồi, vui vẻ, uống đến say mềm.

Rượu đến nửa chừng, chợt nghe báo: "Dưới núi có hơn 5000 quân mới kéo đến, không rõ là ai?" Tán nói: "Mới được yên ổn, lại có chuyện đánh nhau”. Và muốn điểm người ngựa đi nghênh địch. Mã Khôn nói: "Để ta tự đi xem sao". Lập tức dẫn 2000 người xuống núi xem, thì ra là U Châu Gia Luật hoàng đế điện tiền danh tướng Hàn Diên Thọ. Khôn hỏi rằng: "Tướng quân đến có việc chi?" Hàn Diên Thọ nói: "Gia Luật hoàng đế đã chết, nay Tiêu thái hậu lên ngôi nắm quyền, ta phụng lệnh chỉ, đến mời tướng quân về nước, cùng phò chúa mới". Khôn nói: "Nếu đã phụng lệnh chỉ, tôi đâu dám không về nước. Xin tướng quân hãy cùng vào tương kiến với các huynh đệ tôi trong sơn trại, rồi ta thương nghị".

Diên Thọ nghe theo, để người ngựa đóng ở dưới núi, rồi cùng Khôn lên sơn trại. Khôn kêu mọi người đến ra mắt xong, mở tiệc khoản đãi Diên Thọ. Trong tiệc, Khôi nói với Tán và mọi người: " Ta do Gia Luật hoàng đế vô đạo, nên ẩn vào Thái Hành Sơn, nay đã 15 năm rồi! Nay nghe trong nước đã lập Tiêu thái hậu làm chúa, có chỉ đến đòi . Trong trại nay có khoảng 7000 người ngựa, để lại 2000 để con cùng con gái ta trấn thủ, ta dẫn 5000 đem Hoa, Vinh hai người về nước, nếu có chiếu thư đến triệu, thì ngươi mới đi". Tán vâng lời. Ngày thứ Khôn từ biệt mọi người cùng Diên Thọ rời Thái Hành Sơn. Bọn Mã Trung theo tiễn hơn năm dặm mới tạm biệt. Cha con Khôn mang theo người ngựa đi đến U châu. Trên đường không có gì đáng nói.

Bây giờ nói về Hô Diên Tán cùng mọi người quay về đến trại, bắt đầu chiêu binh mãi mã, đợi được triều đình chiêu an.
Tháng ba năm Khai Bảo thứ chín, Tống Thái Tổ nghe Lưu Quân ngày đêm thao luyện binh mã, bèn cùng bọn Triệu Phổ thương nghị kế sách chinh phạt. Phổ tâu:

"Chưa có cơ hội để đánh, xin bệ hạ để sau hãy bàn”. Vua Tống ý chưa quyết, thì gặp lúc Quy Đức tiết độ sứ Cao Hoài Đức vào tâu việc, và nói: "Hà Đông văn võ không hòa, bệ hạ nên thừa cơ hội mà đánh lấy".
Và lại có Khu mật sứ là Phan Nhân Mĩ ra sức tâu xin vua thân chinh. Tống Thái Tổ bèn hạ chiếu, phong Phan Nhân Mĩ làm giám quân, Cao Hoài Đức làm tiên phong, thống lĩnh 10 vạn tinh binh, ngay hôm đó rời Biện Kinh hướng về Lộ Châu thẳng tiến. Tin tức truyền vào Tấn Dương. Lưu Quân hoảng hốt, lập tức triệu văn võ vào thương nghị. Triệu Toại tâu: "Xin chúa công chớ lo, mấy năm nay quân Tống liên tiếp chinh chiến, quân sĩ oán giận. Để thần dẫn theo một lữ người, ra Lộ Châu nghênh địch". Lưu Quân chuẩn tấu, phong Toại làm Hành quân đô bộ thử, Lưu Hùng, Huỳnh Tuấn làm chánh, phó Tiên Phong, điểm binh 5 vạn, ra chặn quân Tống Triệu Toại được lệnh, ngay hôm đó dẫn quân đến Lộ Châu địa giới hạ trại và sai người do thám động tĩnh của quân Tống. Quân do thám về hồi báo: "Quân Tống đóng trại cách lộ châu 20 dặm, cờ trống liên tiếp, thanh thế rất thịnh". Triệu Toại được báo, ngày hôm sau dẫn Lưu Hùng, Huỳnh Tuấn và quân sĩ hướng về Lộ Châu mà tiến. Tiên phong quân Tống là Cao Hoài Đức đã dàn sẵn trận thế, hai quân đối lũy. Cao Hoài Đức cầm ngang ngọn giáo cưỡi ngựa đứng trước trận. Trận của Bắc Hán Triệu Toại tế ngựa ra, tay cầm cương đao, lớn tiếng mắng: "Tống tướng không biết thời vụ, sao dám xâm phạm biên giới!".

Cao Hoài Đức nổi giận, nâng thương tế ngựa xông vào Triệu Toại, Toại múa đao đón đánh, hai quân giao nhau, đánh được hai mươi hiệp, không phân thắng thua. Hán tiên phong Lưu Hùng thấy Triệu Toại không thắng dược Tống tướng, múa phương thiên kích xuất trận trợ chiến. Tống tướng là Cao Hoài Lượng trợn mắt giận dữ, múa trúc tiết cương tiên đón địch. Lưu Hùng đánh chưa được vài hiệp, bị Hoài Lượng đánh vỡ đầu mà chết. Triệu Toại thấy vậy liền quay ngựa bỏ chạy, Cao Hoài Đức vỗ ngựa đuổi theo. Phan Nhân Mĩ liền xua hậu quân, thừa thế đuổi giết. Quân Bắc Hán đại bại, bị chết vô số. Cao Hoài Đức, Hoài Lượng đuổi theo hơn 20 dặm mới quay về.

Triệu Toại thua to một trận, chạy vào Dịch Châu đóng quân, cùng bọn Huỳnh Tuấn bàn: "Quân Tống dũng mãnh, nên sai người về Tấn Dương cầu cứu, mới giữ được thành này". Tuấn nói: "Không nên chậm trễ, nếu đợi lúc quân Tống vây thành thì khó lòng!". Toại lập tức cho người ngày đêm đi gấp về Hà Đông, tâu với Lưu Quân.

Lưu Quân nói: "Triệu Toại vừa ra quân đã bại trận, ai có thể xuất quân tiếp ứng”. Đinh Quý tâu rằng: "Chuyến này nếu là tướng khác đều không địch được quân Tống, chúa công nên triệu Sơn Hậu Dương Lệnh Công phát quân đến cứu, mới có thể lui được quân Tống”. Lưu Quân theo lời đó, liền sai Trịnh Thiêm Thọ làm sứ giả, mang chiếu chỉ và tê vàng ngọc đến San Hậu ra mắt.
Dương Lệnh Công đưa ra chiếu thư:

Bắc Hán Chủ Lưu Quân chiếu rằng: Gần đây bởi Trung Quốc xâm phạm cảnh giới, đã lệnh Triệu Toại suất binh cự địch. Trận chiến ở Lộ Châu, bị thua phải chạy đến Dịch thành. Nay Cô có thư báo cho biết, thật sự là gấp như lửa đốt lông mày. Lệnh công đóng trọng binh ở San Hậu, chí tồn trung nghĩa, nên gánh nạn nước nhà. Ngày nhận chiếu thư, nên lập tức phát binh đến cứu đừng phụ sự trông đợi của Cô gia.

Dương Nghiệp được thư, cùng chư tướng bàn luận: "Năm trước Châu chúa xuống Hà Đông, cha con ta đã đánh thắng quân họ, đủ để chấn uy danh. Nay quân Tống lại đến. Hán Chủ lại xuống chiếu đến triệu, cũng nên cứu ứng". Nói chưa dứt lời, Thất Lang thưa rằng: ”Trung Quốc binh mã rất mạnh, đại nhân lần này đừng ra quân vội, đợi quân Tống sắp vây Hà Đông, mới cứu cũng chưa muộn". Vương Quý nói: "Tiểu tướng quân nói sai rồi!. "Quân mệnh triệu, bắt sĩ giá nhi hành". Lời xưa nói cứu binh như cứu hỏa, nếu đợi quân Tống tới sát thành thì sẽ thành thế quyên quyên, cực nhọc vô ích. Giờ chính nên ra quân cứu giúp, để bày tỏ lòng trung với nước".. Dương Nghiệp theo lời này, bèn lệnh con trưởng Uyên Bình giữ ưng Châu, tự mình cùng Vương Quý dẫn quân tới Tấn Dương, vào bệ kiến Lưu Quân, ra mắt xong, Lưu Quân dùng lễ khách mà tiếp đãi, tặng thưởng lại rất hậu, Nghiệp bái tạ mà lui.

Ngày thứ, Lưu Quân thiết yến ở trung điện, khoản đãi Dương Nghiệp. Dương Nghiệp tâu rằng: "Bệ hạ triệu thần để lui giặc nay chưa giải được mối lo cho chủ, sao dám dùng tiệc". Quân nói: "Uy vọng của khanh, mã đáo thành công, lo gì không diệt được kẻ thù? Cứ uống vài chén, ngày mai xuất quân vẫn chưa muộn". Nghiệp lạy tuân mệnh. Ngày hôm đó, Lưu Quân thân tứ Nghiệp kim chi, Vua tôi cùng vui vẻ rồi tan.

Ngày tiếp theo, Nghiệp vào gặp Lưu Quân tạ yến và thỉnh chỉ xuất binh. Quân nói: "Hôm nay khanh có thể dẫn quân đi trước, nếu lui được quân Tống, Quả nhân sẽ gia phong tước cao cho khanh”. Nghiệp ngay hôm đó ra khỏi triều, dẫn tinh binh tới Dịch Châu hạ trại.

Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa - Hồi Thứ Hai


Hồi Thứ Hai
Lý Kiến Trung Ra Sức Cứu Nghĩa Sĩ
Hô Diên Tán Mơ Thần Dạy Võ Công
Lúc này trời vào tháng mười, gió rét rát mặt, lá rụng tiêu điều. Hô Diên Tán đi được mấy ngày đường, nhìn thấy trước mặt một ngọn núi hiểm trở. Tán tự nghĩ: "Nơi này tất có kẻ cướp ra vào". Lời chưa dứt, chợt sau gò núi một hồi trống vang lên, xuất hiện mấy người chặn lấy đường đi, đòi Tán đưa tiền mãi lộ. Tán nổi giận: "Đường của mọi người, sao các ngươi dám đòi tiền? Nếu chúng mày thắng được ngọn đao trong tay ta thì cứ lấy tiền; nếu không thì lấy đầu chúng mày để thử đao". Tên tiêu đầu mục bừng bừng lửa giận. Cầm dao xông lên, mới giao đấu với Tán được một hiệp đã bị Tán chém chết lăn dưới núi.

Trong bọn đó, một kẻ cấp tốc chạy báo cho Cảnh Trung rằng: “Dưới núi có một tráng sĩ đi ngang, tiểu đầu mục đòi lấy tiền, đã bị hắn giết chết". Cảnh Trung hoảng sợ, lập tức lên ngựa xuống xem, thấy Tán đang đánh nhau với các đầu mục, Trung nhận ra là Tán, vội nạt: "Cháu không được đánh nhau!". Tán ngẩng lên nhìn xem, thấy Trung vội vàng sụp lạy. Cảnh Trung dẫn Tán lên núi, sau khi vào ra mắt Cảnh Lượng. Trung mới hỏi nguyên nhân đến đây, Tán đem việc báo thù và chuyện để lại huyết thư kể lại rõ ràng, "Nay cha kêu con đến đây để nương nhờ nhị vị thúc thúc để tránh nạn, không biết nên lỡ giết chết thuộc hạ của chú, mong chú tha tội" Trung nói: "Cháu vốn không biết thì đâu có tội”. Rồi ra lệnh bày tiệc khoản đãi. Trung nhân đó nói: "Chúng ta hãy tạm ở đây để xem tình hình thế nào. Cháu đã đến đây thì hãy làm đệ tam trại chủ". Tán vòng tay lạy tạ, từ đó Tán ở trong trại, đánh quan cướp phá, không đâu là không thắng.

Một ngày kia, Tán bàn với anh em Cảnh Trung: "Các quận gần Hà Đông lương tiền nhiều, thúc thúc cho cháu mượn quân sĩ 3000 người, cháu sẽ đi cướp Tượng Châu thì có thể dùng trong hai năm". Trung cười nói: "Trấn thủ Tượng Châu là Trương Công Cẩn, người này có sức địch muôn người, nếu đi chắc sẽ bị bắt. Tán nói: "Cháu nếu bị mất một tên quân, sẽ chịu đền mạng". Cảnh Trung thấy Tán có chí khí như vậy, bèn cấp cho 3000 quân sĩ.

Tán lập tức nai nịt lên ngựa, kéo cờ lệnh lên, phía trên viết "Hà Đông thiết xỉ cừu" năm chữ, dẫn 3000 quân kéo đến dưới thành Tượng Châu, bao vây lấy thành, kêu lớn: "Đem nộp tất cả lương tiền trong kho thì sẽ lui quân, nếu không đánh vào trong thành, sẽ không còn gì cả!". Quân giữ thành báo cho Công Cẩn biết. Công Cẩn tự nghĩ: "Hạ Lan Sơn có tên giặc mới là Hô Diên Tán, là một anh hùng, đây tất là người này làm loạn!”. Bên dặn dò 2000 quân sĩ “Đem theo cung nỏ, mai phục ở hai bên cầu treo, đợi ta dụ địch đến thì bắt lấy". Quân sĩ được lệnh, lập tức y mẹo hành sự.

Công Cẩn nai nịt lên ngựa, dẫn 500 quân ra thành nghênh địch. Hô Diên Tán cưỡi ngựa Ô Long, xông lên trước hàng quân, nạt rằng: "Ta đến không vì việc khác, chỉ muốn mượn 3000 lượng vàng trong kho mà thôi”. Trương Công Cẩn nổi giận: "Đồ kẻ cướp, hãy mau rút lui thì tao để cho mà sống. Nếu không, tao thộp mày dâng vua, xé xác mày ra”. Tán nổi giận, múa thương tế ngựa xông thẳng về phía Công Cẩn, Công Cẩn đưa thương đối địch. Giao chiến hơn 30 hiệp, thật như hai con mãnh hổ giao đấu, bất phân thắng bại. Công Cẩn đánh một hồi, giả thua chạy qua cầu treo, Tán tế ngựa đuổi qua cầu, chợt một hồi trống vang lên, phục binh từ hai bên ùa ra, tên bắn như mưa. Tán kinh hãi vội tế ngựa chạy về, 3000 lâu ra thuộc hạ, bị bắn chết hơn nửa. Công Cẩn cũng không đuổi theo, thu quân trở vào thành.

đây nói đến việc Hô Diên Tán không dám về gặp Cảnh Trung, một mình cưỡi ngựa trốn đi theo đường nhỏ. Đến gần canh một, lại bị một bọn lâu la mai phục bắt lấy. Đúng là:

Tài thoát hổ kháng đào đắc khứ,
Hữu tào cơ tĩnh túc tượng lai
(Vừa rời hang hổ chạy ra ngoài,
Lại sụp hầm bẫy bị bắt lại)

Bọn lâu la lại trói gô Tán lại đưa lên núi gặp cha con Mã Khôn, Khôn hỏi rằng: "Mi là người ở đâu?”. Tán nói: "Tiểu nhân là con của tướng quốc, họ Hô Diên tên Tán, do đi lộn đường bị bộ hạ đại vương bắt được xin hãy tha mạng". Mã Khôn giận nói: "Gần đây nghe mày vây Tượng Châu, muốn cướp kho quan phủ, nay còn muốn giấu ta sao?”. Lập tức hạ lệnh nhốt vào tù xa, ngay đêm đó điểm lấy hơn 200 người áp giải Hô Diên Tán tới Tượng Châu lĩnh thưởng. Lâu la được lệnh, đẩy xe tù xuống núi đi. Bọn chúng bàn với nhau: "Đại Vương mình và Bát trại đại vương có hiềm khích, chỉ sợ ở phía trước cướp lấy Hô Diên Tán, chúng ta sẽ ăn nói làm sao? Chi bằng xin tá túc một đêm ở phía trước, ngày mai mới đi sớm!". Tiến đến căn nhà ở gần đó, kêu lên: "Xin tá túc”. Có một người giữ cửa ra xem, thấy là một bọn cướp áp giải một cái tù xa. Người giữ cửa nói: "Đêm đã khuya, các ông tá túc nhưng không được làm kinh động đại vương". Bọn lâu la đồng thanh: "Chúng tôi tự lo được". Bèn đẩy tù xa vào nhà sau.

Lúc này có Bát trại chủ Lý Kiến Trung, đang ở kỹ viện Tây Kinh xem hát thì bị quan bắt lấy, bỏ tù bốn năm, thì vượt ngục trốn ra, cũng đang xin tá túc ở nhà này. Dạo bước ra cổng, nghe tên giữ cửa đang lẩm bẩm to nhỏ bèn hỏi: "Các người đang nói chuyện gì vậy?" Tên giữ cửa đáp: "Mã đại vương ở Thái Hành Sơn khiến 200 tên áp giải Hô Diên Tán nạp cho Trương Công Cẩn để lãnh thưởng". Kiến Trung nghe xong nghĩ ngợi: “Ta ở trong nhà lao Tây Kinh nghe đồn Tán là người anh dũng, sao lại bị bắt lấy, ta phải cứu mới được". Lập tức xách Phác đao vào sau đình, hét lớn: "Kẻ nào dám bắt Tán tướng quân chớ chạy". Bọn lâu la sợ hãi bỏ trốn sạch. Kiến Trung mở tù xa, đỡ Hô Diên Tán ra, dưới ánh sao làm lễ tương kiến. Tán nói: "Ông là ai lại cứu tôi, thật ân đức khó quên". Trung nói: "Ta là Bát trại Lý Kiến Trung đây, đều là anh em một nhà cả". Nói rồi đưa quần áo cho Tán mặc vào.

Ngày thứ, dắt Tán về Tân Kiến trại. Có người báo cho trại chủ Liễu Hùng Ngọc biết, Liễu Hùng Ngọc kinh ngạc, lập tức ra trại nghênh tiếp, thì quả đúng như vậy. Liễu Hùng Ngọc mời vào trong trướng ngồi, hết sức vui mừng. Hỏi nguyên do được về, Kiến Trung đem chuyện vượt ngục kể lại. Hùng Ngọc nói: "Từ sau khi anh rời trại, thì ở đây thủ hạ đơn nhược, mỗi năm đều bị Lục trại chủ La Thanh đến đòi tiền đất, rất là tệ hại". Lý Kiến Trung giận dữ: "Tên giặc này còn tới, thì ta sẽ tóm lấy nó". Hùng Ngọc lại hỏi: "Còn vị này cùng đến là ai?" Kiến Trung nói: "Đó là Hô Diên Tán, con trai của Tướng Quốc". Hùng Ngọc nói: "Nghe danh đã lâu, nay may được gặp”. Lập tức sai tả hữu mở tiệc ăn mừng.

Khi ba người đang uống rượu, chợt được báo La Thanh dẫn theo năm, sáu trăm người ở dưới núi đòi nửa năm tiền đất. Hùng Ngọc nghe thấy, không dám hỏi gì. Tán nhìn chằm chặp Kiến Trung rồi nói: "Cho tôi ngựa, yên, y, giáp, tôi sẽ bắt sống La Thanh về nạp, để báo ân cứu mạng của ca ca". Kiến Trung mừng rỡ: "Ta vốn biết hiền đệ có thể địch được hắn", lập tức đưa cho ngựa, yên, khôi giáp, điểm 200 tên lâu la, theo Tán nghênh địch. Tán nai nịt gọn ghẽ, từ biệt hai người, xuống núi, nạt lớn rằng: "La trại chủ tới có việc gì?" Thanh nói: "Đến để xin Liễu trại chủ nửa năm tiền đất”. Tán nổi giận: "Mày đã xưng làm anh em, thì hãy mau lui về, tránh tổn thương hòa khí. Nếu không tao sẽ bắt mày nộp lên núi". Thanh nói: "Đồ thất phu không biết điều, việc gì đến mày, mà đến đây gây sự?”

Nói rồi tế ngựa nâng thương, xông thẳng vào Hô Diên Tán. Tán cử thương đỡ lấy. Hai người đấu chưa tới năm hiệp, Tán vươn tay vượn, bắt sống Thanh trên mình ngựa, đuổi giết quân La Thanh tan tành, trói La Thanh dẫn lên núi gặp Lý Kiến Trung. Kiến Trung mừng rỡ, đem Thanh treo lên trụ, nói: "Từ từ sẽ giết tên giặc này". Rồi mở tiệc ăn mừng.

Không ngờ tàn quân La Thanh báo cho Đệ ngũ trại đại vương Trương Cát, lại điểm 200 người, nai nịt đầy đủ hò hét vang trời, đến đánh Tân Kiến trại. Lý Kiến Trung và Tán đang uống rượu, chợt nghe dưới núi chiêng trống ầm ĩ, quân vào báo Ngũ trại chủ dẫn quân đến cứu La Thanh. Tán nổi giận: "Để tôi đi bắt gọn ổ bọn này, để trừ tâm phúc đại họa." Nói rồi chào Lý Kiến Trung rồi dẫn người ra trại, bày trận đối địch, nạt to hỏi rằng: "Tên giặc phía trước là người nào?” Trương Cát nhận ra là Tán, cũng nạt rằng: "Khôn hồn thì thả La trại chủ trả cho ta, ta sẽ tha mày được sống, nếu không nghe lời, thì là mày tự chuốc họa vào thân".

Hô Diên Tán giận dữ, xách thương đâm Trương Cát. Trương Cát vác thương đón đánh, vừa được hai hiệp, bị Tán đâm cho một nhát lăn xuống ngựa. Bọn lâu la thấy chủ tướng bị giết, quăng bỏ dao kích mạnh ai nấy trốn. Tán thừa thế đuổi sấn vào trại, cướp sạch toàn bộ vàng bạc, phóng hỏa đốt sạch sơn trại rồi rút về. Kiến Trung, Hùng Ngọc thấy Hô Diên Tán lại thắng trận nữa, mừng rỡ nói: "Uy phong của hiền đệ, quả danh bất hư truyền". Và lại mở tiệc uống rượu. Kiến Trung nạt lâu la đem Thanh giết, mổ tim gan làm mồi nhắm rượu. Ba người vui vẻ ăn uống, chuyện không có gì đáng nói.

Đây nói về bại quân chạy đến đầu hàng Thái Hành Sơn, gặp Mã Khôn nói cho biết việc La Thanh, Trương Cát bị giết. Mã Khôn nổi giận đùng đùng: "Khen cho tên thất phu này, sao rửa được hận này . Lập tức sai con trưởng là Mã Hoa lĩnh 500 quân tinh dưỡng đến đánh Tân Kiến trại. Lâu la báo với Lý Kiến Trung, Kiến Trung nói: "Mã Khôn thật khinh người quá đáng. Ta phải ra bắt mới được". Hô Diên Tán nói: "Không phiền huynh trưởng mệt nhọc, để tiểu tướng ngày mai dùng mẹo này, bắt hết bọn này, để rửa hận trước". Kiến Trung nghe lời, hạ lệnh mọi người phòng thủ sơn trại nghiêm ngặt, ngày mai sẽ ra đánh. Mọi người được lệnh tự lo liệu chuẩn bị đầy đủ.

Hô Diên Tán về trướng, suy nghĩ kế bắt Mã Khôn. Bất giác ngủ thiếp đi, chợt thấy một quả cầu lửa lăn vào trong trướng, trong mơ Tán đã đuổi theo ra ngoài. Đến một nơi, thấy nhà cửa toàn sơn son thếp vàng, cung điện nguy nga. Tán thẳng vào trong, thì không thấy quả cầu lửa đâu cả. Bên cạnh xuất hiện một người nói: "Chủ nhân chờ tướng quân đã lâu rồi!"

Tán nói: "Chủ nhân ngươi là ai?" Người này nói: "Xin vào trong sẽ gặp". Nói rồi dẫn Tán vào trong điện, thấy một viên mãnh tướng ngồi chễm chệ, nhìn Hô Diên Tán nói: "Ngươi cho rằng thiên hạ chỉ có mình ngươi là biết võ nghệ hay sao?" Tán đáp: "Tiểu nhân chỉ là một dũng phu, đâu đáng gì". Vị tướng đó nói: "Hãy đến giáo trường, ta có chuyện muốn nói". Tán theo đến giáo trường vào ngồi ở đình. Tướng đó khiến tả hữu mang ngựa, yên, binh khí đến đưa cho Tán rồi nói: "Ngươi có võ nghệ gì, hãy đánh. cho ta xem thử". Tán nghe lời lên ngựa, đem sở học bình sinh ra biểu diễn. Viên tướng cười nói: "Không có gì lạ cả". Bèn gọi tả hữu dắt ngựa của mình đến, rồi nói với Tán: "Ta với ngươi đánh nhau xem ai thắng ai thua". Tán nghĩ vừa rồi còn một đường thương pháp chưa dùng, nay đấu với ông ta xem sao. Rồi lên ngựa ra giáo trường đấu với viên tướng đó. Hai người đấu được vài hiệp, Tán múa thương sắt đâm, bị tướng kia quay ngựa Hoa Lưu lại, kẹp bắt xuống ngựa, rồi hét rằng: "Em ta hãy nhớ kỹ phép đánh này1"

Tán giật mình tỉnh giấc, thì ra nằm mơ. Nhìn lại trên người thì thấy y giáp vẫn còn. Tán cảm thấy kỳ lạ, bèn gọi lính hầu vào hỏi: “Ở đây có miếu thờ thần nào không?" Tên lính đáp: "Cách đây một khoảng, có một ngôi miếu cổ, bỏ hoang đã nhiều năm, không người cúng tế”. Nghe vậy, qua ngày sau Tán đem theo tên lính hầu tìm đến ngôi miếu. Thấy tấm biển viết: "Đường Uất Trì Công* chi Từ". Bước vào trong điện, thấy tượng thần và người gặp trong mộng không khác. Tán nói: "Kỳ lạ! Đây đúng là có thần giúp ta". Nói rồi sụp lạy bốn lạy, khấn rằng: "Nếu đúng Hô Diên Tán về sau làm nên, sẽ tu tạo lại miếu tự, để đền công ơn". Lạy xong, cùng tên lính hầu về gặp Lý Kiến Trung. Trung hỏi: "Áo giáp này hiền đệ ở đâu được?" Tán kể lại việc mơ đêm qua. Kiến Trung mừng rỡ: "Thật là thần linh tương trợ, em ta chắc sẽ được đại quý”.
*Uất Trì Cung ở Châu Thiện Dương (nay là Sơn Tây - Sóc Dương), là tướng cuối đời nhà Tùy, sau hàng nhà Đường. Từng đánh bại quân Vương Thế Sung, tham gia trấn áp quân khởi nghĩa của Đậu Kiến Đức, Lưu Hác Thái, tham dự biến cố Huyền Vũ Môn, giúp Lý Thế Dân đoạt ngôi vua.
Đang lúc chuyện trò, chợt thấy báo Mã Hoa đang khiêu chiến ở ngoài. Tán chào Kiến Trung, xách thương lên ngựa, dẫn quân ra khỏi trại nghênh địch. Bên kia Mã Hoa cầm roi, trỏ mà mắng rằng: "Đồ cuồng nô đáng chết, mau thả La Thanh, thì ta sẽ tha cho. Nếu không, thì ta sẽ băm mi thành ngàn mảnh”. Tán cười lớn: "Mày cũng sẽ chết cùng với La Thanh thôi!". Hoa giận dữ, cử thương vào đâm Hô Diên Tán.

Hô Diên Tán lui vài bước, hai bên binh khí giao nhau chưa đầy hai hiệp đã bị Tán kẹp chặt cán giáo, bắt sống rồi khiến người giải lên núi gặp Lý Kiến Trung. Bại binh của Hoa trở về báo với Mã Khôn: "Tiểu tướng quân bị Tán bắt sống rồi". Khôn kinh hãi: "Tên giặc này thật hùng dũng". Lập tức sai con thứ là Mã Vinh, đem theo 200 thuộc hạ dũng cảm đi cứu. Hô Diên Tán nghe quân mã Thái Hành Sơn lại đến, bèn bày sẵn trận chờ. Mã Vinh gác đao trên ngựa kêu rằng:"Mau đem anh ta thả ra, ta sẽ từ bi tha ngay mạng, nếu không sẽ giết mi không còn manh giáp". Tán giận nói: "Đợi tao bắt mày luôn một thể". Nói rồi múa thương xốc ngựa xông vào trận. Mã Vinh múa đao đánh lại. Cả hai đánh nhau ở sườn núi hơn 20 hiệp, bất phân thắng bại. Quẹo qua sườn núi, Hô Diên Tán cầm chắc thương thần, đợi Mã Vinh tới gần, rút Kim Tiên ra, hét "Chết này!” đập xuống lưng Mã Vinh một roi, Mã Vinh miệng thổ máu tươi bỏ chạy. Về đến trại, gặp Mã Khôn, nói Tán anh hùng khó địch.

Mã Khôn buồn bã lo lắng. Khôn có một người con gái là Mã Thị, thấy cha vẻ mặt lo buồn, bèn hỏi: "Phụ thân có vì sao không vui?" Khôn đáp: "Huynh trưởng con bị tên giặc ở Tân Kiến trại là Hô Diên Tán bắt đi, lại đánh thương nhị ca con, cha thấy không có ai địch lại nên buồn bã không vui". Mã Thị nói: "Cha không cần phiền não, để con đến bắt nó là được". Mã Khôn nói: "Người này anh hùng khó địch, chỉ sợ con thắng hắn không được". Mã Thị nói: "Nên dùng kỳ binh mà bắt. Trước tiên mai phục quân mạnh ở vách núi, nếu đánh không thắng, nhử vào mai phục tất sẽ vào tròng”. Khôn nghe theo lời, cho dẫn 700 người đi đối địch.

Hô Diên Tán biết được, ra đợi trước trận. Kêu to: "Tướng kia mau kêu trại chủ của mi quy thuận, để tránh tiêu diệt, nếu không cả ổ nhà mi sẽ không đất chôn thây đó , Mã Thị nổi giận, múa đao tế ngựa chém tới, Hô Diên Tán cũng vỗ ngựa lại đón. Hai người đánh hơn 30 hiệp, Mã Thị vỗ ngựa chạy, Tán tế ngựa đuổi hơn một dặm, thấy sau núi thấp thoáng như có quân phục nên quay ngựa về không đuổi nữa. Hai bên thu quân. Mã Thị về gặp Mã Khôn nói: "Hô Diên Tán hiểu sâu binh pháp, khó mà thắng được?" Khôn nghe vậy càng buồn bã.
Chợt tiểu tốt vào báo: "Sau núi có một. đoàn quân mã kéo đến, không biết là ai?" Mã Khôn nghe được liền sai người đi thám thính, thì ra là đệ nhất trại chủ Mã Trung. Mã Khôn ra trướng nghênh tiếp, Mã Trung và Lưu Thị an bài xong người ngựa, vào trại gặp nhau làm lễ tương kiến xong. Mã Khôn nói: "Lâu không gặp hiền đệ, từ đó đến nay sao không nghe tin tức gì cả?" Trung nói: "Tôi nhớ đại ca từ lâu, hôm nay cố ý đến thăm". Mã Khôn bảo tả hữu bày tiệc khoản đãi. Mọi người uống đến ngà ngà say, Mã Trung thấy Mã Khôn có vẻ không vui nên hỏi: "Anh vì sao kém vui, hay vì tiểu đệ đến làm anh không vui?"

Khôn nói: "Hiền đệ nói vậy là sai rồi! Anh em ta giống như ngươi một nhà, sao lại có ý như vậy được? Chỉ tại đệ bát trại có tên mới đến là Hô Diên Tán, mỗi lần đều gây với các trại khác. Gần đây bắt đi con lớn của ta, không người cứu được, vì thế mà lo buồn". Trung nghe xong, liền nói: "Nếu là việc này, anh không nên phiền não, tiểu đệ sẽ ra sức cứu giúp”. Khôn nói: "Tên này là một kẻ địch đáng gờm, không nên xem thường”. Trung nói: "Đệ tự có cách làm cho nó đầu hàng". Nói xong liền chào Mã Khôn cùng Lưu Thị dắt theo thủ hạ của mình xuống núi.

Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa - Hồi Thứ Nhất

Hồi Thứ Nhất
Vua Bắc Hán Đuổi Bỏ Trung Thần
Hô Diên Tán Kịch Liệt Báo Thù
Nói về chúa Bắc Hán là Lưu Quân nghe tin Trung Quốc bình định các trấn, bèn triệu quần thần bàn rằng: "Tiên quân và nhà Chu có mối thù truyền kiếp, nay vua Tống có chí không nhỏ, giờ đã dẹp yên các nước, làm sao có thể để trẫm đây xưng bá một phương"". Gián nghị đại phu Hô Diên Đình xuất ban tâu rằng: "Thần nghe vua Tống là chúa anh võ, các nước đều đã quy hàng. Nay bệ hạ chỉ có một góc đất nhỏ, huống chi binh yếu tướng ít, làm sao có thể chống cự, chi bằng viết biểu xin nạp cống, mới tránh được họa lớn cho nhân dân và có thể bảo vệ không phải lo lắng cho đất Hà Đông nữa".

Lưu Quân do dự chưa quyết, chợt khu mật phó sứ Âu Dương Phảng tâu lên: "Hô Diên Đình thông mưu với Trung Quốc, mới xin bệ hạ đầu hàng. Nay Tấn Dương có địa thế nổi trội, đế vương do đây mà được nổi lên, vô sự thì lấy dân mà thủ, gặp biến thì cầm giáo mà đánh, ta có thế như vậy sao lại phải nương nhờ kẻ khác? Nay nên chém Hô Diên Đình để chính quốc pháp”. Quân chuẩn tấu, ra lệnh lôi Hô Diên Đình chém đầu. Quốc cữu Triệu Toại vội can: "Lời của Hô Diên Đình là lời trung nghĩa, sao có thể là thông mưu với Trung Quốc. Nếu chúa công đem chém, vua Tống nghe được, sẽ có cớ mà đánh ta. Nếu thật sự là không dùng, chỉ nên bãi chức đuổi đi đó là cách chu toàn nghĩa vua tôi đó". Lưu Khôn nghe theo lời đó, ra lệnh cách hết quan tước, đuổi về quê ở.
Hô Diên Đình tạ ơn lui ra, ngay hôm đó thu thập hành trang, đem gia đình đi về phía Tương Châu. Âu Dương Phảng vẫn chưa vừa ý, căm hận Hô Diên Đình, nên âm mưu giết hại, sai gia nhân là Trương Thanh, Lí Đắc đến mà nói rằng: "Hai ngươi dẫn vài trăm tên quân khỏe mạnh, bí mật đuổi theo đến nơi ở của Hô Diên Đình, giết hết cho ta, khi về ta sẽ trọng thưởng”. Trương, Lí hai người lĩnh mệnh, lập tức dẫn quân đuổi theo Hô Diên Đình.

Lại nói về Hô Diên Đình và mọi người đi đến dịch quán ở Thạch Sơn thì trời đã tối, bèn tháo yên nghỉ ngơi. Đêm đó bày tiệc cùng phu nhân đối ẩm, kể lại chuyện bất hạnh đã qua. Khi gần đến canh hai, chợt nghe có tiếng ồn ào ngoài quán, lửa bốc ngút trời, có người báo là có giặc cướp đến. Hô Diên Đình hoảng sợ, kêu người nhà mau chạy. Bọn người Trương Thanh, Lí Đắc ùa vào trong quán, giết sạch già trẻ cả nhà Hô Diên Đình; cướp cả châu báu rồi đi. Lúc đó các người tùy tùng mỗi người đều lo chạy trốn, chỉ có người tiểu thiếp là Lưu Thị bế người con nhỏ chạy vào trong nhà xí, giữ được mạng sống. Tới canh tư, Lưu Thị than rằng: "Ai ngờ nhà ta lại gặp kiếp nạn này, khiến mẹ con ta mất cả nơi nương tựa" và khóc lớn.

Chợt có một người ở phía sau nói rằng: "Tiểu nương tử vì sao lại khóc?" Dưới ánh sao đêm, Lưu Thị nước mắt đầm đìa, ngước mặt nhìn xem là ai thì người này bước gần tới trước và hỏi: "Nàng là con cái nhà ai, sao đến đây một mình?" Lưu Thị khóc mà nói rằng: "Thiếp là kế thất của Gián nghị đại phu bổn quốc Hô Diên Đình, do quay trở về quê nhà, tới đây bị giặc đánh cướp, giết chết hết cả nhà, chỉ còn lại thiếp và con nhỏ tránh ở nơi đây, vô kế khả thi, xin quan nhân thương tình". Người này nghe xong, nổi giận mà nói rằng: "Ta là lãnh cấp lưỡng viện phủ Hà Đông, họ Ngô tên Vượng. Người vừa giết ân chủ của cô, chính là gia nhân của Âu Dương Phảng là Trương Thanh, Lí Đắc giả làm giặc cướp. Nàng hãy mau ẵm con mà trốn đi, nếu không sẽ khó giữ được mạng sống". Nói xong bèn bỏ đi.
Lưu Thị đang hoảng hốt, chợt ngoài dịch quán lại có tiếng la, một bọn người lại kéo vào, thấy Lưu Thị, bèn bắt lấy đem đến gặp Mã Trung. Mã Trung nói: "Nàng là người ở đâu, sao ẵm con ở đây?". Lưu Thị nói: "Thiếp gặp nỗi oan ức". Và đem việc cả nhà bị hại, kể lại hết cho nghe. Mã Trung nói: "Trong đêm lính tuần đến báo, trong dịch quán có quan triều bị cướp. Bọn ta đang muốn kéo tới để giành chia vàng bạc, thì ra lại có chuyện khổ như vậy. Nếu nàng chịu theo ta về trang trại, nuôi dưỡng đứa bé trưởng thành, để báo thù cho nàng, nàng nghĩ sao?".
Lưu Thị nói: "Thiếp có nỗi oán giận rất lớn, đâu tiếc tấm thân hèn này, nên nguyện theo đại vương về”. Mã Trung lập tức dẫn Lưu Thị về sơn trại đến gần tối. Mã Trung sắp xếp xong nơi ở cho Lưu Thị, tự dẫn thủ hạ trở về trên sơn trại. Lưu Thị bí mật sai người về trong quán dịch, thu liệm thi thể của chủ nhân, chôn cất xong xuôi quyết ý chỉ muốn báo thù, nuôi dưỡng con nhỏ.
Thấm thoát thời gian trôi qua như tên bắn, đã gần bảy năm, đứa trẻ đã lớn lên. Mã Trung đặt tên cho đứa bé là phúc Lang, và đưa đi tầm sư học nghệ. Đứa trẻ này có khuôn mặt đen như màu sắt, mắt như vòng châu, dung mạo như Uất Trì Kính Đức thời Đường. Tuy là học văn, nhưng khi rảnh bèn tập binh pháp. Khi đến tuổi 14, 15 thì cưỡi ngựa, bắn cung, võ nghệ đều tinh thông, sử dụng một cây thương sắt, có tài nghệ xuất quỷ nhập thần. Mã Trung thấy sự hùng dũng như vậy, rất là yêu thích, đổi tên cho thành Mã Tán.
Một ngày kia, Tán theo Mã Trung ra ngoài trang, thấy một đám phu khiêng một tấm bia lớn đến, trên viết rằng: “Thượng trụ quốc Âu Dương Phảng" mấy chữ. Mã Trung thấy bia, mặt bỗng biến sắc giận dữ. Mã Tán nói: "Đại nhân thấy bia đá này vì sao có vẻ không vui?" Trung nói: "Nhìn thấy tên của Âu Dương Phảng, khiến ta rất là đau lòng. Người này 15 năm trước hại cả nhà của Hô Diên Đình, ta nghe nói Hô Diên Đình vẫn còn có một người con còn sống. Ta nếu gặp được cậu ấy, sẽ cùng đi báo thù này!". Tán nổi giận nói rằng: "Tiếc rằng con không phải là con trai của Hô Diên Đình, nếu không, sẽ đi báo thù ngay hôm nay". Trung nói: "Việc này mẹ con biết rõ hơn ta, con có thể hỏi mẹ con".
Tán về trang, vào gặp mẹ là Lưu Thị, hỏi về chuyện Âu Dương Phảng hại cả nhà Hô Diên Đình. Lưu Thị nghẹn ngào rơi lệ, khóc mà nói rằng: "Ta ngậm mối hận này, nay đã 15 năm. Con chính là con trai của Hô Diên Đình, người cha hiện nay chỉ là cha nuôi của con mà thôi". Tán nghe lời này, ngã lăn ra xỉu. Mã Trung xốc vào, cứu tỉnh. Tán khóc nói rằng: "Hôm nay con xin bái biệt cha mẹ đi báo oán này!”. Trung nói: "Hắn là quyền thần đất Hà Đông, thuộc hạ và quân sĩ rất nhiều, làm sao đến gần được, phải dùng kế sách mà thôi. Con về sau chỉ nên gọi ta là chú." Hô Diên Tán lạy và nói: "Thúc Thúc có kế sách nào dạy bảo, con suốt đời không quên ơn".

Mã Trung còn đang suy nghĩ, chợt nghe báo Cảnh Trung đến thăm. Mã Trung lập tức ra nghênh đón vào trang, ngồi xuống rồi dạy Mã Tán vào gặp. Cảnh Trung hỏi: "Vị này là ai?" Mã Trung đáp: "Nó là nghĩa tử của ta tên là Mã Tán" rồi hỏi Cảnh Trung đến có việc gì. Cảnh Trung nói: "Vừa rồi đánh với bọn khác, thắng được một con ngựa tốt, tên là Ô Long Mã, nay muốn đem đến Hà Đông, bán cho Âu Dương Phảng thừa tướng, trên đường đi qua trang trại của tôn huynh, đệ đặc biệt vào thăm". Mã Trung nói: "Nếu hiền đệ có ngựa tốt như vậy, chi bằng bán cho con ta, vì ta trong đó có lý do". Mã Trung nói: "Tôi với anh tuy kết bái, nhưng tình hơn ruột thịt, con anh tức là cháu tôi, ngựa này xem như tôi tặng vậy". Mã Trung mừng rỡ, bèn sai dọn tiệc chiêu đãi. Trong tiệc, Mã Trung kể về việc cả nhà Hô Diên Đình bị Âu Dương Phảng mưu hại, và đứa con này là con ruột của Hô Diên Đình, đang muốn trả thù, nhưng chưa có mưu kế gì. Cảnh Trung nghe xong giận dữ nói rằng: "Anh chớ lo, em có một kế, có thể giết được Âu Dương Phảng". Mã Trung nói: "Đệ có kế gì, huynh xin chỉ giáo”. Cảnh Trung kêu Mã Tán tới gần nói: "Nay cháu đem con ngựa này vào phủ Âu Dương Phảng, nói là lễ vật xin bái kiến. Hắn được ngựa này, sẽ hỏi cháu muốn chức quan gì, cháu phải nói là không muốn làm quan, chỉ muốn nuôi ngựa cho tướng công. Hắn rất vui mừng mà thu nhận, đợi có cơ hội, nhân đó giết đi, sẽ báo được thù này". Hô Diên Tán(tức Mã Tán) lạy chịu kế này. Ngày kế tiệc tan, Cảnh Trung cáo từ về sơn trại. Ngày sau nữa, Mã Tán lạy chào Mã Trung Lưu Thị lên ngựa khởi hành. Người sau có thơ làm chứng:

Hào nghị anh hùng đảm. khí thô,
Hiên ngưỡng nhân vật thế gian vô
Thử hành tất đinh oán năng báo,
Phương biểu nam nhi đại trượng phu.

Lại nói Hô Diên Tán rời khỏi Mã Gia Trang, theo đường đi về Hà Đông, hỏi thăm phủ Âu Dương Phảng và nhờ người vào báo rằng: "Trước cửa phủ có một tráng sĩ dắt một con ngựa tốt, muốn đến dâng cho tướng công . Âu Dương Phảng nghe xong, ra lệnh cho vào. Tán vào dưới thềm quỳ nói: "Tiểu nhân gần đây mua được ngựa hay, đặc biệt đem dâng cho tướng công, dùng làm lễ vật ra mắt". Âu Dương Phảng nói: "Ngươi là người ở đâu đến?" Tán trả lời : "Tổ cư Mã Gia Trang, tiểu nhân họ Mã tên Tán". Âu Dương Phảng hỏi: "Ngựa này giá trị ra sao?" Mã Tán nói: "Nó có giá trị liên thành".

Âu Dương Phảng nghe xong nghĩ ngợi, người này chắc muốn làm quan. Khiến tả hữu hỏi. Mã Tán trả lời: "Tiểu nhân không muốn làm quan, chỉ muốn hầu hạ tướng công một vài năm, cũng đã là người có danh phận rồi". Âu Dương Phảng thấy Mã Tán nghi biểu kỳ đặc, lại tặng hắn ngựa tốt, bất giác vui vẻ, lập tức lưu Mã Tán làm tả hữu sai khiến. Tán hành sự suy xét kỹ càng, dần dần biết ý, nên rất được Phảng yêu quý.

Năm Khai Bảo thứ bảy vào tết Trung thu tháng tám, Âu Dương Phảng và phu nhân uống rượu ngắm trăng ở đình của hậu viên. Để thấy được cảnh đẹp đêm Trung thu, có "Thủy điệu ca đầu” của Tô Tử Chiêm làm chứng:

Minh nguyệt kĩ thời hữu? Bả tửu vấn thanh thiên. Bất tri thiên thượng cung khuyết. Kim tịch thị hà niên? Ngã dục thừa phong khứ, hữu khủng quỳnh Lầu ngọc vũ, cao xứ bất thắng hàn. Khởi vũ lộng thanh ảnh, hà xử tại nhân gian! Chuyển Chu các, Đê ỷ hộ chiếu vô miên. Bất ưng hữu hận, hà sự trường hướng biệt thời viên? Nhân hữu bi thương li hợp, nguyệt hữu âm tịnh viên khuyết, thử sự cổ nan toàn. Đán nguyệt nhân trường cửu thiên lí cộng thuyền quyên.

Âu Dương Phảng uống say, được phu nhân dìu vào thư viện, dựa vào kỉ mà ngồi. Tán đi theo vào thư viện, tự nghĩ rằng: "Không hạ thủ ở đây, còn đợi đến lúc nào?" Ngay lúc rút dao ra, chợt thấy ngoài cửa sổ có người đem đèn lồng vào viện, thì ra là quản gia đến mời Phảng đi nghỉ. Tán cất dao vào vỏ than rằng: "Tên giặc này còn phúc đức dư lại, phải tính cách khác thôi".

đây nói về Quốc cữu Triệu Toại thấy Âu Dương Phảng chuyên chính đã lâu, sợ rằng sẽ gây binh biến. Một ngày nọ, tâu với vua Bắc Hán: "Phảng có tội đáng phải giết, bệ hạ nếu không sớm trừ đi, thì sẽ có họa lớn đấy!”. Và cùng với đại tướng Đinh Quý ra sức đàn hặc tội của Phảng. Lưu Quân bèn bãi chức thừa tướng của Phảng, phong cho làm Đoàn luyện sứ. Phảng xấu hổ vì phải ngang hàng với Triệu Toại, dâng sớ về quê. Hán Vương chuẩn tâu. Ngay ngày đó Phảng thu thập hành lí, dẫn người nhà rời khỏi Tấn Dương, hướng về Vận Châu mà đi. Không đến một ngày, đã về đến nhà, họ hàng thân thuộc đều đến chúc mừng, Phảng ngày nào cũng mở tiệc thết đãi.

Thấm thoát đến ngày 9 tháng 9, là ngày sinh nhật của Phảng, nên sai chuẩn bị yến tiệc, cùng vui với phu nhân. Hô Diên Tán một mình ở ngoài phòng, buồn bã không việc gì làm. Khi gần đến canh hai, bước ra ngoài đình hóng mát, chợt thấy trăng sáng vằng vặc, gió Tây vi vu Tán ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Vốn dĩ đến đây vì cha mẹ báo thù, nhưng lại không được toại chí, sao trời xanh lại không thấy cho ta?" Nói xong gạt nước mắt vào phòng, đặt lưng nằm xuống.

Chợt ngoài cửa sổ nổi lên một trận gió lạ. Hô Diên Tán mơ màng thấy rất nhiều người máu me đầy mình, tiến tới vây lấy Tán mà kêu rằng: "Cha mẹ ngươi bị Âu Dương Phảng làm hại, hôm nay chính là lúc có thể báo thù đó!". Tán nghe xong, giật mình thức dậy, hóa ra là giấc mộng. Đang nghi hoặc, chợt người hầu đến kêu: "Mã đề hạt, tướng công có việc gọi ngài". Hô Diên Tán giấu theo dao bén, đi tới thư viện, thấy Âu Dương Phảng ngủ ở trên giường. Âu Dương Phảng nói rằng: "Ta uống vài chung, còn say chưa tỉnh, ngươi hãy ở bên ta hầu hạ". Hô Diên Tán tuân lệnh và suy nghĩ rằng: "Tên giặc này tới số rồi".

Gần đến canh tư, Tán bước ra bên ngoài thấy bốn bề vắng vẻ, đúng là "Nộ tự tâm thượng khởi, Ác hướng đảm biên sinh", rút dao bén từ lưng ra, hơi lạnh giá buốt, sát khí đằng đằng. Trở vào thư viện, nắm lấy Âu Dương Phảng nạt rằng: "Mi có biết con của Hô Diên Đình không?" Âu Dương Phảng sợ đến vỡ mật mất hồn, van xin liên hồi: ."Tha mạng cho ta, ta sẽ cho ngươi cả gia tài". Nói chưa dứt lời, Tán đã đưa một dao vào cổ họng. Âu Dương Phảng đau đớn đến không lên tiếng được và hồn lìa khỏi xác. Tán giết xong Âu Dương Phảng, chạy vào nhà trong, đem phu nhân và bốn mươi mấy người nam nữ thân thuộc của Âu Dương Phảng giết sạch. Tịnh Hiên có thơ vịnh rằng:
Khí khái lăng vân đôn khả gia, hoài cốt oán tất tuyết chấn Trung Hoa. Toàn gia cảnh lục thân thâm hận, thủy tín hoàng thiên báo bất sai.

Tán giết ra ngoài đình, chỉ có một nô bộc già quỳ ở dưới thềm van xin: "Tha mạng thừa cho tôi". Tán nói: "Không liên quan đến ngươi, mau đi thu thập vàng ngọc đem đến cho ta". Lão bộc vào phòng, đem vàng bạc châu báu chất đầy một xe để Tán đem đi. Trước khi đi Tán lấy máu viết bốn câu cửa:

Chí khí ngưỡng ngưỡng xạ đẩu ngưu,
Hung trung cựu hận nhất thời hưu.
Phân minh sát khước Âu Dương Phảng,
Phản tác Hà Đông thiết xỉ cừu.

Hô Diên Tán viết xong, cưỡi lên Ô Long Mã, đem theo châu báu vàng bạc, chạy suốt đêm về gặp mẹ là Lưu Thị, thưa lại việc giết bốn mươi mấy người nhà Âu Dương Phảng, lấy vàng bạc mà về. Lưu Thị mừng rỡ. Qua ngày sau tới gặp chú là Mã Trung, Trung hỏi: "Báo được thù chăng?” Tán đáp: "Nhờ hồng phúc của thúc thúc, con đã giết sạch già trẻ cả nhà Âu Dương Phảng và trước khi rời khỏi đã viết lại bốn câu”. Mã Trung hỏi: "Bốn câu đó nói gì?" Tán đọc bốn câu thơ cho nghe. Trung sợ hãi nói: "Nếu Hán Chủ biết được, thì nhà ta sẽ có họa diệt tộc. Con nên chóng thu thập lộ phí, thẳng tới Hạ Lan sơn nương nhờ hai vị thúc thúc là Cảnh Trung, Cảnh Lượng để tránh nạn này". Tán tuân lệnh, ngay hôm đó bái biệt cha mẹ mà đi.

BÍCH HUYẾT THANH THIÊN U MINH GIỚI - TẬP 13

Tập 13
Tối hôm đó, mọi người thức đêm, xem có hiện tượng lạ gì với Tôn Bảo không.

Bỗng Địch Thanh xuất hiện, nhưng ko phải là Địch Thanh, có lẽ là yêu quái phương nào nhập xác Địch Thanh, muốn hại Tôn Bảo...
Nhưng Dương Tôn Bảo đang bị thương, ko đánh lại tên yêu quái đó...
Bộ Ba Khai Phong Phủ: Bao Chửng, Triển Chiêu, Công tôn sách...hóa thành tam tiên hộ pháp cho tôn bảo...
- Bao Chửng: Văn Khúc Thiên tướng
- Triển Chiêu: Hỏa Tử Thiên tướng
- Công Tôn Sách: Thông Lý Thiên tướng



Nhưng tên yêu quái ấy chị khắc hệ với Phá Quân thiên tướng...nên sau khi hồi phục sức mạnh, Dương Tôn Bảo hóa thành Phá Quân Tinh, mang theo thanh đao mà Bao Chửng cho công tôn sách luyện, kết hợp với sức mạnh của triển chiêu, Phá Quân thiên tướng đã đánh bại tên yêu quái.....



Và rồi.....Địch Thanh bỗng hiện thân là Hoàng Tinh thiên tướng....và bảo: " Dương Tôn Bảo dc phong chức Đại Nguyên Soái, thống lĩnh tất cả Thiên Binh Thiên Tướng , nay Ngọc Đế ban cho thiết giáp bào phát huy sức mạnh, hãy nhận lấy "

Nói rồi....tất cả mọi người vì dùng quá nhiều công lực nên đã ngất đi..............





BÍCH HUYẾT THANH THIÊN U MINH GIỚI - TẬP 12

Tập 12
Họ đi 3 ngày 3 đêm, cuối cùng, họ cũng tìm dc hồn lệnh trân châu kỳ. Do Dương Tôn Bảo mở hộp...



Mọi người ở Khai Phong và Thiên Ba phủ rất lo....theo như công tôn tiên sinh thì...họ sẽ an toàn và Thái Quân có nói: nếu ai mở dc hồn lệnh trân châu kỳ, người đó sẽ bị tà ma nhập vào...nguy hiểm đến tính mạng.....nhưng công tôn tiên sinh nói: nếu mà có Phá Quân Thiên tướng bảo vệ thì sẽ an toàn......




Nhưng mọi người ko ngờ.....người mở hộp lại chính là Phá Quân thiên tướng- Dương Tôn Bảo...Liệu mọi chuyện rồi ra sao???



BÍCH HUYẾT THANH THIÊN U MINH GIỚI - TẬP 11

Tập 11

Tôn Bảo và Quế Anh theo Bạch ngọc đường đến một hang đá nhỏ....thạc động sau thẳng vào bên trong núi đá.....một cuộc hoang dã........ bên trong động phát ra một ánh sáng hào quang chói lòa.....có lẽ có một báu vật dc cất trong nơi động này.....

Kể lại ở triều....mọi người lo lắng cho Tôn Bảo và Quế Anh....Bỗng nhiên Bạch Ngọc đường trở về....mọi người sợ một mình Tôn Bảo và Quế Anh sẽ rất nguy hiểm....vì đường lên tìm liệt quả lệnh hồn trân châu kỳ có nhiều yêu ma quỷ quái...nên bao chửng sai Triển chiêu và Vương triều mã hán theo Bạch ngọc đường đi giúp họ....mang theo thanh bảo kiếm mà Bao chửng đã nhờ công tôn sách làm.....



BÍCH HUYẾT THANH THIÊN U MINH GIỚI - TẬP 10


Tập 10


Bao Chửng và mọi người sau khi hôn mê....tỉnh dậy, đầu óc choáng váng, tinh thần suy yếu.........và ko ai nhớ bất cứ gì về chuyện đêm qua...........


Và từ Hà tri huyện, triển hộ vệ tức tốc chạy về....thì ra lâu nay...triển hộ vệ đi điều tra giúp Bao chửng một số vụ án...nay đã trở về........


Bao Chửng nhờ triển Chiêu đến Hạng Không đảo để tìm Bạch Ngọc Đường.......vì hiện giờ....triển hộ vệ và Bạch ngọc đường nếu hợp công, thì có thế phát huy sức mạnh vốn có của triển chiêu................



Ngũ thử hiện đang ẩn ở Lư Sơn.......

Vài ngày sau, tuy đã mời dc Bạch ngọc đường....nhưng vì giang hồ ko thích quan tướng triều đình nên Dương Gia và ngũ thữ đã xảy ra xung đột............


Và Bao Chửng đã nhờ công tôn sách thiết kế và rèn 1 thanh bảo kiếm..........ý của Bao Chửng là.....(xem tập sau sẽ biết)


Và Tôn Bảo, Quế Anh biết trên Lư sơn có một bí mất đó là hồn của Trân Châu Kỳ....... và cả 3 người Tôn Bảo, Quế Anh và Bạch ngọc đường....lên đường đi tìm mặc dù Thái Quân đã ngăn cản......



Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

BHTT Trân Châu Kỳ ( lời việt ) - Bích huyết đan tâm

Sống vì đất nước
Tim đập vì nước
Dốc cả lòng ta
Vì hòa bình đó.


Người sống đó sau vẫn tử
Chỉ mong lưu danh sử sách
Lòng đầy ái nhân
Lòng tràn nhân nghĩa, chẳng tiếc chi.


Lửa càng bốc cháy
Sông càng sâu thẳm
Đất đai quốc thổ 
Vẫn vẫn tranh đấu.
Rõ biết núi cao hiểm nguy
Rõ biết kiếm đao gần đây
Mỉm cười chiến chinh, loạn thế hiện đan tâm..........


Mây xanh trên bầu trời, xua tan bóng tối
Tâm trung đang cản ngăn, chịu khó chịu khốn
Tâm phấn chấn lên mong sẽ đánh chết lũ hắc tà
Bão táp đã gặp nhiều,kiếp vẫn chẳng uổng
Bao nhiêu khổ nhọc đây,cứ tiếp đi lên đường
Chẳng ngại hy sinh chỉ vì dân, quốc gia.........


Lửa càng bốc cháy
Sông càng sâu thẳm
Đất đai quốc thổ 
Vẫn vẫn tranh đấu.
Rõ biết núi cao hiểm nguy
Rõ biết kiếm đao gần đây
Mỉm cười chiến chinh, loạn thế hiện đan tâm..........


Mây xanh trên bầu trời, xua tan bóng tối
Tâm trung đang cản ngăn, chịu khó chịu khốn
Tâm phấn chấn lên mong sẽ đánh chết lũ hắc tà
Bão táp đã gặp nhiều,kiếp vẫn chẳng uổng
Bao nhiêu khổ nhọc đây,cứ tiếp đi lên đường
Chẳng ngại hy sinh chỉ vì dân, quốc gia.........


Mây xanh trên bầu trời, xua tan bóng tối
Tâm trung đang cản ngăn, chịu khó chịu khốn
Tâm phấn chấn lên mong sẽ đánh chết lũ hắc tà
Bão táp đã gặp nhiều,kiếp vẫn chẳng uổng
Bao nhiêu khổ nhọc đây,cứ tiếp đi lên đường
Chẳng ngại hy sinh chỉ vì dân, quốc gia.........

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

BÍCH HUYẾT THANH THIÊN U MINH GIỚI - TẬP 9

Tập 9
Công chúa bình dương Linh nhi đến gặp mọi người để bàn cách tìm ra những vị tiên còn lại....Bỗng đang nói chuyện, Bao Chửng bỗng ngất xỉu....Công tôn tiên sinh cũng ko biết xảy ra chuyện gì, Linh nhi chạy tới xem thử, một thứ ánh sáng lạ từ vầng nguyệt trên trán Bao chửng chiếu vào mắt Linh nhi làm cô ngất đi....


Rồi có một tên thích khác lạ, tấn công Linh Nhi, may mà lúc ấy, Văn Khúc Tinh tỉnh dậy, đánh cho ả một trận và 2 bên giao chiến nhau 5 hồi.....


Linh Nhi tỉnh dậy, biến thành một nàng tiên che khăn hồng, dùng TINH LINH DƯƠNG bắn vào mắt yêu nữ....làm cho ả choáng váng.........

Văn khúc tinh dùng thượng phương bảo kiếm và Nguyệt Quang chưởng, Linh nhi dùng Tinh Linh bách thảo tấn công và ả ta chạy mất.....
Cả hai sau khi đánh xong thì trở về bình thường nhưng vẫn mang hình hài của các vị tiên


Thiên Thương tiên nữ bay tới và cho biết:
Vệ Linh Nhi thân là Tinh Linh Tiên Nữ, nay Ngọc Đế trao cho Hồng Phụng Tiên Bào giúp tăng sức mạnh...
Ngọc Đế trao cho Bao chửng Tiên Hoàng Bào giúp phát huy sức mạnh....
Linh Nhi là sức mạnh của Tiếng đàn và cung tên, Bao Chửng là sức mạnh của mặt trăng và ánh sáng
Sau khi mọi người nói chuyện xong, Thái Quân xin phép về nghỉ, rồi mọi người thắc mắc tại sao Dương tôn bảo, Thái Quân và Địch Thanh chưa phát huy sức mạnh của mình.... vừa nói xong...tất cả đều thiếp đi ngủ.....

BÍCH HUYẾT THANH THIÊN U MINH GIỚI - TẬP 8

Tập 8
Mặc dù mọi người đã ổn....nhưng Công tôn tiên sinh vẫn đang lo lắng, không biết tác dụng của Bát quái trận đồ là gì....Bát quái trận đồ ở thần hổ doanh đã có lời giải thích nhưng....Bát quái trận đồ của Cố Lão tiên sinh là như thế nào??? Công tôn sách vẫn buồn rầu mà suy nghĩ.....

Rồi Bao chửng và Dương Gia cùng công tôn sách suy nghĩ xem công dụng của nó là gì.....
Bỗng nhiên Thiên thương tiên nữ giáng thế, mách cho một câu: Thập nhị nhân hóa thập nhị tiên. Tứ vệ, Bát hộ pháp, Nhị Bảo vật cứu thế nhân sinh. và rồi biến mất.
Công tôn tiên sinh ngộ nhận thì ra là:
12 người hóa thành 12 vị tiên
4 vị tiên bảo vệ
8 vị tiên hộ pháp
2 bảo vật cứu thế
Rồi mọi người quyết định đợi đến tối để xem những người này là ai???


Bỗng nhiên trời tối, có một thích khác đột nhập vào Thiên Ba Phủ......
Mọi người bỗng biến thành:
Thái Quân: XỬ THỦY LÃO TIÊN


Bao Chửng: TINH CHỦ VĂN KHÚC TINH TƯỚNG


Tôn Bảo: PHÁ QUÂN THIÊN TƯỚNG TIÊN


Quế Anh: KIM QUÂN THIÊN TƯỚNG TIÊN NỮ



Địch Thanh: VÕ KHÚC TIÊN TƯỚNG


Hợp lực đánh với thích khách....nhưng ko sao đánh dc ả..... Văn khúc tinh liền đưa Thượng phương bảo kiếm cho Kim quân thiên tướng tiên nữ....chỉ vài 3 hiệp, ả thích khách đã thất bại......có lẽ Kim thiên tướng đã phát huy dc năng lực....
Thì ra thích khách chính là Thiên thương tiên nữ, muốn làm vậy để phát huy sức mạnh cho mọi người....
Vậy là đã rõ dc 8 vị tiên đầu tiên....và còn các vị tiên khác đang ở đâu và họ là ai....còn sức mạnh của những người khác sẽ ra sao???
ĐÓN XEM...